Tiểu sử Ðại Lão Pháp Sư Thích Diễn Bồi

(theo Huệ Quang Từ Ðiển)

         

Lão Pháp Sư người Giang Ðô, tỉnh Giang Tô, họ Lý, hiệu Ðế Quán. Ngài sinh năm 1912. Năm 12 tuổi xuất gia với Hòa Thượng Thường Thiên ở am Phúc Ðiền, Lâm Trạch, Cao Bưu. Năm 18 tuổi, Sư thọ Cụ Túc Giới tại viện Phúc Thọ ở Bảo Ứng.

 

Lúc đầu, Sư đến Quán Tông Giảng Tự học Thiên Thai Giáo Quán, kế đến các viện Mân Nam, Giác Tân, Hán Tạng nghiên cứu ý chỉ hai tông Tánh, Tướng và học Trung Quán truyền từ Tây Tạng. Sư đã từng thân cận các cao tăng đương thời như Ðế Nhàn, Thái Hư, Từ Hàng, Ấn Thuận, cũng từng giảng dạy tại Hoa Tây Phật Học Viện, Liên Tông Học Viện, Hạ Môn Ðại Giác Giảng Xá v.v…

Năm 1949, Pháp Sư đến Hương Cảng, hợp sức biên tập và ấn hành bộ Thái Hư Ðại Sư Toàn Tập. Sau đó, qua Ðài Loan làm công tác trứ thuật hoằng pháp, học Nhật ngữ và các học thuyết của các học giả Nhật Bản. Sư từng sang hoằng pháp ở Thái Lan, Việt Nam, Cao Miên, Lào, Tân Gia Ba, Mã Lai, Phi Luật Tân và các nước vùng Bắc Mỹ.

 

Sư lần lượt giữ các chức vụ Chủ Tịch Hội Phật Giáo Trung Quốc, trụ trì các chùa Thiện Ðạo, Huyền Trang, Linh Phong Bát Nhã Ðường ở Tân Gia Ba, Diệu Pháp Tinh Xá ở Việt Nam… và viện trưởng viện Thái Hư Phật Học, xử lý thường vụ Từ Hàng Trung Học. Sư có trứ tác và dịch thuật rất nhiều, trong đó phần trứ tác được đăng rải rác trong các đặc san Phật Giáo, phần dịch thuật được gom góp thành Ðế Quán Toàn Tập…

 

Lược Truyện Từ Hàng Trưởng Lão (1895-1954)

(theo Huệ Quang Từ Ðiển)

 

Ðại Lão Luật Sư Từ Hàng người huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, họ Ngải, tự Ngạn Tài, hiệu Kế Vinh.

 

Ngài mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Năm 17 tuổi, xuất gia với Hòa Thượng Tự Trung, năm sau thọ giới Cụ Túc tại chùa Năng Nhân ở Cửu Giang. Sư từng tham lễ khắp các đạo tràng như Cửu Hoa, Thiên Thai, Phổ Ðà… Sư học Thiền tại chùa Thiên Ninh ở Thường Châu, chùa Cao Mân ở Dương Châu, theo học với Pháp Sư Ðế Nhàn, lại học Tịnh Ðộ với Pháp Sư Ðộ Ách. Năm 1927, Sư đến Phật Học Viện Mân Nam, gần gũi Thái Hư Ðại Sư, được Ngài hun đúc, từ có có chí cách tân Phật Giáo. Ngoài ra, Sư còn gần gũi Pháp Sư Viên Anh. Sư từng 2 lần nhập thất để đọc Ðại Tạng trong sáu năm. Năm 1929, Sư chủ trì chùa Nghinh Giang ở An Khánh, hết lòng với sự nghiệp hoằng pháp, đề xướng cải cách Tăng Già, chỉnh đốn Phật Giáo.

 

Sư cũng từng sáng lập hội Phật Học Trung Quốc tại thủ đô Rangoon của Miến Ðiện (Myanmar). Năm 1940, Sư theo Ðại Sư Thái Hư thăm viếng các quốc gia Phật Giáo vùng Ðông Nam Á, kế đó lưu lại ở Mã Lai Á, sáng lập các cơ sở như học viện Bồ Ðề ở Tinh Châu (Tân Gia Ba), hội Phật Học Tinh Châu, hội Phật Học Di Bảo, hội Phật Học Tân Thành, đồng thời phát hành nguyệt san Nhân Gian, ra sức đẩy mạnh việc Phật học xã hội hóa, nhờ đó, Phật Giáo Nam Dương được hưng thịnh. Năm 1948, Sư đến Trung Lịch ở Ðài Loan chủ trì Phật Học Viện Ðài Loan do Pháp Sư Diên Quả sáng lập. Sau đó, Sư thành lập Di Lặc Nội Viện ở Tịch Chỉ để tiếp nhận các thanh niên Tăng từ Hoa Lục đến. Ðồng thời khai giảng các kinh luận Ðại Thừa như Nhân Minh, Duy Thức, Lăng Nghiêm… tận tâm tận lực trong việc giáo dục, hoằng hóa.

 

Sư thị tịch vào tháng 5 năm 1954, thọ 60 tuổi, 42 tăng lạp. Di thể Sư ngồi kiết già trong một cái chum lớn, được an trí tại viện Tĩnh Tu sau núi. Ba năm sau, mở chum ra, nhục thân Sư vẫn không hư hoại, các nơi đều kính ngưỡng. Sau đó, đồ chúng xây dựng Từ Hàng Ðường để kỷ niệm đức nghiệp của Sư và tôn phụng nhục thân. Người đời sau gom góp tác phẩm của Sư thành Từ Hàng Pháp Sư Toàn Tập lưu hành ở đời.