Chương 4

Công ích thù thắng

Thọ giới, bất cứ giới nào cũng có công đức của nó. Thọ Ngũ Giới có công đức của Ngũ Giới. Thọ Bát Giới có công đức của Bát Giới. Chư vị hiện thọ Bát Giới, công đức như thế nào? Trước hết, phải so sánh với công đức của Ngũ Giới thì mới rõ được công đức thù thắng của sự thọ trì Bát Quan Trai Giới và mới có thể kiên quyết tín nguyện, thọ trì.

Trong kinh nói: “Giả sử có người nào phát tâm dùng y phục, ẩm thực, thuốc men, giường nằm cúng dường cho chúng sanh trong khắp bốn phương, như vậy cho đến cả trăm năm trường kỳ cúng dường, công đức người này tất nhiên không thể nghĩ bàn. Nhưng cho dù công đức có nhiều đến đâu đi nữa, cũng không bằng công đức thọ trì Bát Quan Trai Giới trong vỏn vẹn một ngày đêm”. Giới đức cao tột, thù thắng, điều này ở đây có thể chứng minh.

Thọ trì Ngũ Giới, tuy có công đức lớn, nhưng so với công đức thọ trì Bát Quan Trai Giới còn kém xa. Trong Trí Ðộ Luận, ngài Long Thọ thí dụ rất hay: “Thí dụ như vị tướng đem quân đi đánh trận. Nếu khiếp nhược nhát gan thì dầu có nhiều năm tác chiến cũng không thể tạo công lao phá địch. Còn nếu là viên dũng tướng uy mãnh, mau lẹ phá tan cường địch, chỉ trong một ngày lập nên công lớn trong thiên hạ. Phải hiểu công đức của Ngũ Giới và Bát Giới không đồng, cũng giống như vậy”. Bởi Ngũ Giới chỉ có thể lìa tà dâm, chưa thể trừ tận căn của Dục. Bát Giới đoạn trừ hết dâm, không còn bị dục nhiễm làm loạn, sự tướng đồng với vô lậu. Thời gian tuy chỉ một ngày một đêm, song được rất nhiều giới hạnh, cho nên công đức vượt xa Ngũ Giới.

Tuy nhiên, cũng có điểm phải cần nói rõ. Bất luận thọ trì Ngũ Giới hay Bát Giới, theo Ðại Trí Ðộ Luận, điều quan trọng nhất là phải phát tâm rộng lớn. Có phát tâm rộng lớn thì tuy giữ giới một ngày đêm vẫn đạt được phúc đức thù thắng, nếu không phát tâm rộng lớn dầu giữ Ngũ Giới đến trọn đời, cũng chỉ được phúc đức hữu lậu. Thế nên các vị phát tâm thọ Bát Quan Trai Giới, không nên vì giải thoát hay công đức riêng mình, mà nên vì tất cả chúng sanh thọ giới hạnh này, nghĩa là không xem công đức thọ giới là của riêng mình, mà coi như của chúng sanh chung có, nguyện cùng chúng sanh đồng hướng đến quả vô thượng Phật đạo. Như vậy mới có thể đạt được công đức tối thắng. Ðại Thừa Phật Giáo rất đặc sắc ở chỗ muốn mỗi người đệ tử bất luận làm việc công đức lành nào, cũng vì nghĩ tưởng đến hết thảy chúng sanh, không bao giờ vì lợi ích riêng tư của mình.

Hoằng Nhất Luật Sư nói: “Ngũ Giới, Bát Giới đều thuộc về Tiểu Thừa, thế nhưng muốn thọ Giới Phẩm phải phát Ðại Bồ Ðề tâm. Chưa thể riêng tu thiện cho mình, thiên cầu tịch diệt, tuy vẫn Khai, Giá, Trì, Phạm, song không khác Thanh Văn. Phải nên đồng như bậc Ðại Sĩ mà phát tâm hành thọ, như hằng tin trong sạch, nỗ lực tu tiến”. Luật Sư lại nói: “Bát Giới thông cả Ðại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Tiểu Thừa như các luận Thành Thật. Ðại Thừa tức Bồ Tát Bát Giới, như các kinh Văn Thù Vấn hoặc Bát Chủng Trưởng Dưỡng Công Ðức đều nói rõ. Chúng ta đã thọ Bồ Tát Giới, nay thọ Bát Giới tức là Ðại Thừa Bát Giới vậy”.

Cho nên đã thọ Bồ Tát giới, cũng có thể thọ Bát Quan Trai Giới. Ai bảo thọ Bồ Tát giới rồi, khỏi cần thọ Bát Quan Trai Giới thực là lầm. Cứ như lời Hoằng Nhất Ðại Sư thọ Bồ Tát giới và thọ Bát Quan Trai Giới đã không lập lại, cũng không trở ngại nhau.

Công đức thọ Bát Quan Trai Giới thuộc vô lậu, và còn là Ðại Thừa nên công đức hữu lậu thế gian không thể so được. Vì vậy, đức Phật đã từng trách mắng Ðế Thích. Một hôm, Ðế Thích nghe đức Phật nói các công đức thù thắng của Bát Quan Trai Giới, liền vui mừng tán thán: “Tháng Sáu ngày thần du, phụng hành tám Trai Giới, công đức thù thắng này, đồng với tôi không khác”. Một số người nghe tu Bát Quan Trai được công đức đồng như Ðế Thích rất hoan hỷ, song đức Phật quở Ðế Thích: “Ông nói không đúng đạo lý. Ông cũng không đủ tư cách để nói lời này. Chỉ có bậc A La Hán mới nói như vậy được! Vì sao vậy? Ðế Thích ông nên biết: Ông đã không xa rời các phiền não tham, sân, si, cũng không giải thoát được khổ lớn sanh, lão, bệnh, tử, biết bao ưu sầu khổ não còn vây chặt thân tâm ông. Sao lại dám bảo thọ trì Bát Quan Trai Giới được công đức như ông? Thực ra, công đức của ông chỉ có thể cảm thọ được quả báo Ðế Thích, còn công đức của người thọ trì Bát Quan Trai Giới đủ chứng được quả Bồ Ðề xuất thế của tam thừa thánh. Như bậc A La Hán xả gánh nặng sanh tử mới có thể bảo công đức của người thọ Bát Quan Trai Giới đồng với ta không khác”. Như vậy, chúng ta thấy rõ: phúc đức của Ðế Thích so với công đức vô lậu của Bát Quan Trai Giới thật là một trời, một vực.

Hơn nữa, công đức thọ trì Bát Quan Trai Giới chẳng những tương đồng với các công đức A La Hán, mà còn là Bồ Tát ở thế gian. Trong Văn Thù Vấn Kinh nói: “Bồ Tát thế gian chính là tám giới” (Thế gian Bồ Tát, Bát Giới giả thị). Vậy đủ thấy muốn làm vị Bồ Tát ở thế gian cũng chả khó mấy. Chỉ cần phát đại Bồ Ðề tâm thọ trì Bát Giới liền thành thế gian Bồ Tát. Công đức thọ trì Bát Giới còn hơn nữa. Như trong kinh Xử Thai nói: “Bát Quan Trai Giới là cha mẹ chư Phật”. Có thể nói công đức này đồng với chư Phật, thậm chí chư Phật đều do Bát Quan Trai Giới mà sanh. Kinh Kim Cương nói: “Tất cả chư Phật và pháp A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề đều từ kinh này mà ra”. Dựa theo câu này, có thể bảo rằng: “Hết thảy chư Phật và các pháp Tam Miệu Tam Bồ Ðề đều do từ Bát Quan Trai Giới mà ra”. Như thế, công đức thù thắng của Bát Quan Trai Giới thực là không thể nghĩ bàn.

Luận Bồ Tát Bổn Sinh Man cũng nói rõ công đức Bát Giới như sau: “Nếu có người có thể trì pháp Bát Trai Giới, tuy họ không mặc y phục hoa lệ, nhưng họ có y phục tàm quý (3). Phải biết y phục tàm quý trang nghiêm hơn hết mọi y phục. Người thọ trì Bát Giới trai pháp, tuy không có bức tường ngăn chặn trộm cướp bên ngoài lẻn vào trộm của báu, nhưng họ có thành trì vô hình, chế ngự oán tặc lục căn cướp đoạt công đức nội tâm”. Nói theo Phật pháp, của cải có mất cũng không đáng tiếc. Pháp Bảo mất mới đáng tiếc. Muốn Pháp Bảo không bị trộm mất, phải xây tường Trai Giới. Thọ Bát Quan Trai Giới dù là chủng tộc thấp hèn như Chiên Ðà La, nhờ thọ Bát Giới cũng ở địa vị của thánh, trải qua một thời gian chứng thành Thánh Quả. Nhờ vậy, Bát Giới thật cao quý. Ngày xưa, Ấn Ðộ cho anh lạc là món trang sức cao quý. Người thọ Bát Quan Trai Giới tuy không có anh lạc, châu bảo, nhưng nhờ có Bát Giới Trai Pháp trên thân nên được đủ các thiện pháp công đức trang nghiêm thân. Hơn nữa, loại trang nghiêm này không một bảo vật nào ở thế gian có thể bì được. Kinh Ưu Bà Tắc Giới, phẩm Bát Giới Trai nói: “Bát Giới Trai tức chính là anh lạc trang nghiêm vô thượng Bồ Ðề”. Như vậy, người thọ trì Bát Giới Trai Pháp tuy không có thất bảo, kim, ngân, nhưng chứa đủ bảy pháp tài (4) của nhân thiên, không cần cầu bè cũng băng qua được hiểm đạo.

Công đức thọ trì Bát Giới thù thắng như vậy, cho nên trong kinh cũng nói: “Dùng tất cả trân bảo của mười sáu nước lớn cúng dường các tỳ kheo tăng không bằng công đức trì giới một ngày đêm”. Tát Bà Ða Luận cũng nói: “Nếu có vị vua Diêm Phù Ðề hành hạnh bố thí rộng lớn, khiến cho hết thảy nhân dân được đủ các bảo vật, công đức này rất lớn, nhưng so với công đức thọ trì Bát Giới Trai Pháp, công đức vua Diêm Phù Ðề chưa bằng một phần mười sáu”. Các kinh, luận sở dĩ tán thán công đức Bát Giới như vậy vì đây là căn bản của xuất gia lìa tục, là hạt giống đắc tam thừa Bồ Ðề, cho đến thành Phật cũng do một niệm thọ trì Bát Giới Trai Pháp.

Thọ trì Bát Giới công đức thù thắng như vậy, ắt tự nhiên có thể trừ diệt các tội. Ðiều này trong kinh Thiện Sanh nói rất rõ: “Thọ trì Bát Giới có thể trừ được các tội nặng Ngũ Nghịch”. Kỳ dư, các tội khác dĩ nhiên không thành vấn đề. Ngũ Nghịch gồm các tội: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật ra máu. Các tội nặng này tương lai phải chịu quả khổ Vô Gián. Nhưng hiện tại nhờ thọ trì Bát Giới, tội nặng Ngũ Nghịch liền được tiêu trừ, công đức thù thắng của Bát Trai Giới quả khó nghĩ bàn. Trong Trung A Hàm Kinh cũng nói: “Hàng thánh đệ tử đa văn, khi trì tám giới này, ghi nhớ mười hiệu của Như Lai, nếu có các điều bất thiện nghĩ ác đều được trừ diệt”. Hàng đa văn thánh đệ tử còn phải nương công đức này để diệt trừ tội khiên, tu thiện tiến đức, vậy những ai muốn trừ tội tăng phúc nên nhân cơ hội này thọ trì Bát Trai Giới.

Thọ trì Bát Trai Giới được công đức thù thắng như vậy, không phải là vấn đề, vấn đề ở chỗ trong thời gian ngắn ngủi một ngày một đêm làm sao cho tịnh niệm tương tục, để gìn giữ cho thân tâm thanh tịnh, nhờ vậy mới đạt được công đức như nói ở trên. Nếu không, do vì tâm không nhất niệm, tưởng Ðông nghĩ Tây, không chú tâm vào Trai Giới, nên công đức không sao thành tựu! Cho nên trong một ngày đêm thọ Trai Giới, phải buông bỏ hết mọi việc thế tục, đem trọn thân tâm tắm gội trong Phật pháp, chịu sự thấm nhuần của Phật pháp và tương ưng với pháp Phật. Nếu chỉ làm hùa theo người, thọ giới thì thọ giới, nhưng chưa hề chuyển theo giới, kết quả một ngày trôi qua luống không, thực là đáng tiếc.

Tịnh niệm cũng tương tục, cố nhiên là phương pháp rất tốt để bảo trì cho Bát Giới thanh tịnh. Ngoài đây ra, trong Thành Thật Luận nói: “Có năm pháp có thể khiến cho giới hạnh được thanh tịnh. Thứ nhất, trong thời gian thọ giới có thể đúng pháp hành Thập Thiện. Thứ hai, trong thời gian thọ giới, đoạn trừ hết các điều gây não hại cho chúng sanh từ trước hay sau này, không còn làm chúng sanh chịu khổ nữa. Thứ ba, trong thời gian thọ giới, không để cho ác tâm làm não loạn nội tâm, tức không để cho các niệm không chánh đáng khởi lên, để khỏi trở ngại cho sự thanh tịnh của giới hạnh. Thứ tư, trong khi thọ giới luôn luôn nhớ tưởng Phật, Pháp, Tăng, Giới, Xả, Thiên để thủ hộ cho giới hạnh. Dựa vào công đức của sáu niệm này, bảo trì cho giới hạnh thanh tịnh. Thứ năm, trong khi thọ giới, nguyện đem công đức trì giới này hồi hướng đến Cứu Cánh Niết Bàn, quyết không dùng công đức này cầu phước báo nhân thiên. Thọ Trai Giới như vậy giới hạnh ắt thanh tịnh”.

Tỳ Bà Sa Luận phân biệt công đức thọ trì Bát Giới có được đại quả hay không bằng năm câu:

- Thứ nhất, như có người tự tại thọ Trai Giới này, biết nhà bếp sắp sát sanh để nấu cho mình ăn, người ấy bảo đầu bếp: “Hôm nay tôi thọ Trai Giới nên không sát sanh, hãy cất đi, để mai làm chưa muộn”. Ðó là quan niệm chung của mọi người. Lại có người lính chiến, bắt địch quân giải đến thượng quan, xin xử tội kẻ địch. Thượng quan bảo: “Hôm nay tôi thọ Trai Giới không thể sát sanh, nhốt lại mai giết cũng được”. Thọ Bát Trai Giới kiểu này, căn bổn nghiệp đạo tuy thanh tịnh, song cận phận thì không thanh tịnh. Ðức Phật bảo tuy là thắng nghiệp, song không đủ để chứng đại quả.

- Thứ hai, lại có người thọ Bát Trai Giới, chẳng những căn bổn nghiệp đạo rất thanh tịnh mà cận phận cũng rất thanh tịnh. Nhưng bị dục tầm tư (5), khuể tầm tư và hại tầm tư gây tổn hại. Thọ Trai Giới như thế vẫn chưa phải là lý tưởng. Phải biết ba loại tầm tư: dục, khuể và hại, là một thứ ác phân biệt. Có chứa sự phân biệt bất chánh này nội tâm không sao thanh tịnh được, và dĩ nhiên ảnh hưởng đến sự thủ trì giới hạnh. Chính do cái ác tầm tư nhiễu loạn tâm linh này mà đức Phật nói người phát tâm thọ giới và giới họ thọ tuy là thắng nghiệp, nhưng không thể nhờ đó mà đạt được đại quả.

- Thứ ba, còn có người thọ Trai Giới này chẳng những căn bổn nghiệp đạo và cận phận rất thanh tịnh, hơn nữa, cũng không bị ác tầm tư gây tổn hại, tất nhiên rất khó được. Nhưng vẫn không lý tưởng vì họ chưa khởi được chánh niệm, không nhất tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Xả, niệm Thiên, và vẫn còn hiện khởi các niệm bất chánh đáng. Do vì vọng niệm không ngừng hiện hành nên tâm không sao an trụ được nơi tịnh giới, do đó, không thể cầu thanh tịnh giới hạnh được. Chính vì vậy, đức Phật nói người phát tâm thọ giới này và giới họ thọ tuy là thắng nghiệp, song không chứng được đại quả.

- Thứ tư, lại có người thọ trì Bát Trai Giới, căn bổn nghiệp đạo cũng như cận phận đều thanh tịnh, cũng không bị ác tầm tư làm tổn hại, lại hay đề khởi chánh niệm, thực là nan đắc, nhưng vẫn không mỹ mãn. Vì họ vẫn không thể đem công đức thọ trì Bát Giới hồi hướng về quả xuất thế giải thoát, chỉ mong cầu sanh thiên hưởng lạc. Do vậy, đức Phật nói người thọ giới này và giới họ thọ tuy là thắng nghiệp, song không chứng được đại quả.

- Thứ năm, lại có người thọ giới này, nghiệp đạo căn bổn và cận phận đều thanh tịnh, cũng không bị ác tầm tư tổn hại, nhiếp thọ chánh niệm, hồi hướng giải thoát. Ðức Phật bảo người này và giới họ thọ chẳng những là tu thắng nghiệp mà còn chứng được đại quả. Theo Tiểu Thừa là giải thoát Niết Bàn, theo Ðại Thừa là Phật Quả Bồ Ðề.

Thọ trì Bát Giới xác thực có công đức thù thắng, nên phải thường phát tâm phụng hành Bát Giới. Có điều trong xã hội máy móc này, nếu cứ vào lục trai nhật thì ít có người thọ được. Vì vậy, tối thiểu mỗi tháng một lần. Hoằng Nhất Luật Sư nói: “Nếu thấy một tháng sáu ngày hơi nhiều, có thể giảm xuống một hay hai ngày. Bởi chỉ cần một ngày còn có công đức lớn, huống là cả sáu ngày”. Tuy nhiên khi phát tâm thọ giới, bất luận là trước hay sau, hoặc trong khi thọ giới, phải nghiêm túc dùng tám giới rửa sạch thân tâm khiến thân tâm tương ưng với giới. Như vậy mới được thanh tịnh và đủ công đức thù thắng.

(3) Tàm quý: là hai thiện pháp đứng đầu trong mười một thiện pháp của tâm sở. Tàm có nghĩa là tự thẹn mình, quý có nghĩa hổ thẹn với người.

(4) Thất pháp tài: Gồm bảy tài bảo dùng làm pháp xuất thế, còn gọi là Thất Thánh Tài.

1. Tín tài: Tín mới thọ trì chánh pháp được, nên Tín chính là tư lương (tài) để đến quả Phật.

2. Tiến tài: Chưa thấy lý Chân Ðế, song nhất tâm tinh tiến cầu đạo xuất thế, nên là tư lương để thành Phật.

3. Giới tài: Giới là căn bản của đạo giải thoát, có công năng ngăn chận và phòng hộ các lỗi quấy nơi thân khẩu ý nên là tư lương để thành đạo.

4. Tàm Quý tài: Do tàm quý nên không tạo ác nghiệp, nên là tư lương để đến quả Phật.

5. Văn tài: Văn đứng đầu trong Tam Huệ, nhờ Văn nên Tư, có Tư mới có Tu, nếu được nghe Phật thuyết pháp, ắt khai phát diệu giải, tu hành đúng Pháp, nên là tư lương để thành đạo quả.

6. Xả tài: Xả tức là xả thí, nếu vận dụng được tâm bình đẳng, không tác ý thương ghét, tùy sự cầu xin mà ban cấp tài vật hay thân mạng không chút luyến tiếc, nên là tư lương để thành đạo.

7. Ðịnh Huệ tài: Ðịnh Huệ là Chỉ Quán, Ðịnh nên nhiếp tâm không loạn, đình chỉ vọng niệm. Huệ nên quán chiếu các pháp, phá tan tà kiến, nên là tư lương để thành Phật Quả.

(5) Tầm tư: Cựu dịch là Giác Quán. Thô tư gọi là Giác, tế tư gọi là Quán. Hai thứ này phương hại đến định tâm nên tùy theo có tầm tư hay không mà xét đoán định tâm sâu hay không.