|
Chương 9 Vấn Ðề Liệu Giản Hôm nay là lần thứ chín quý vị thọ Bát Giới, trong các lần trước tôi đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến Bát Trai Giới, hiện tại muốn cùng các vị liệu giản một số vấn đề, để các vị trong lòng không còn mối thắc mắc nào nữa về Bát Giới, an tâm phụng trì hàng tháng, không còn thối tâm. Nhờ vậy, các vị có thể dựa vào công đức này băng qua khổ hải, không còn đắm chìm trong sanh tử nữa. Thuở giờ đệ tử Phật được chia làm bảy chúng có giới pháp khác nhau, như hai chúng tại gia có Ngũ Giới: tỳ kheo và tỳ kheo ni có Cụ Túc Giới, sa di và sa di ni có thập giới, thức xoa ma na có sáu pháp giới. Còn các vị thọ Bát Giới thuộc về chúng nào? Trước hết, phải biết Bát Giới là giới một ngày một đêm còn Ngũ Giới thuộc giới tận hình thọ (giới suốt đời). Nếu nói Bát Giới thuộc về hai chúng tại gia thì Bát Giới không phải là giới tận hình thọ nên tợ hồ không thuộc về hai chúng tại gia. Như thế phải quyết định thế nào? Bát Giới không phải là giới tận hình thọ nên nếu bảo người thọ giới này thuộc ưu bà tắc (di) ắt không khỏi có vấn đề xảy ra. Bởi thông thường có giới tận hình thọ mới gọi là ưu bà tắc/di. Song người thọ Bát Giới trên thân mang giới trọn ngày đêm, lại không có tên nào để chỉ, nhưng trong học phái Phật giáo có khi gọi hạng người này là Trung Gian Nhân (người ở giữa). Như Tát Bà Ða Luận nói: “Người thọ Bát Giới trong thất chúng, thuộc về chúng nào? Tuy không có giới chung thân nhưng có giới một ngày một đêm nên gọi là ưu bà tắc. Nếu gọi như vậy lại không có giới chung thân; nếu không gọi như vậy lại có giới một ngày một đêm, nên chỉ gọi là Trung Gian Nhân, tức ngoài thất chúng còn có Mộc Xoa Bát Giới”. Sự thật, người thọ Bát Giới cũng có thể gọi là ưu bà tắc, song phải thêm hai chữ “tịnh hạnh”, nên khi thọ giới pháp, danh xưng thích hợp nhất là “tịnh hạnh ưu bà tắc/di”. Phần trên đã nói người thọ Bát Giới nằm ngoài thất chúng là do nơi sự phân biệt của các học giả Hữu Bộ về giới tận hình thọ và giới nhật dạ; nhưng từ các kinh Hữu Bộ thành lập một phái riêng gọi là Thành Thật Luận Chủ, nói trong Thành Thật Luận, người hành Bát Giới không ngoài thất chúng, bởi vì Bát Giới thông suốt và thu nhiếp hai chúng tại gia. Lại xét lý do Phật chế Bát Giới thì chính vì tại gia chúng. Gần đây, Hoằng Nhất Luật Sư trong Phổ Khuyến Xuất Gia Nhân Thường Ưng Thọ Bát Giới Văn, tuy dựa theo kinh Dược Sư chứng minh người xuất gia cũng nên thường thọ Bát Trai Giới, nhưng người phát tâm thọ Bát Trai Giới dĩ nhiên đa số vẫn là người tại gia. Ðồng thời, người thọ Bát Trai Giới đa số đã thọ Ngũ Giới (không thọ Ngũ Giới vẫn có thể thọ Bát Giới). Hiện tại, tuy chỉ thọ giới một ngày đêm, nhưng nhờ sự tuyệt dâm nên thắng hơn Ngũ Giới không tà dâm, do vậy gọi là tịnh hạnh ưu bà tắc/di. Các vị đều đã rõ, nếu thọ trì được đủ năm giới thì thật lý tưởng. Nhưng nếu cảm thấy không thể giữ nổi các giới tôn nghiêm này, đức Phật cũng từ bi phương tiện cho. Hơn nữa, cũng không quy định cứng ngắc, do người phát tâm tùy sức muốn thọ trì bao nhiêu giới thì thọ bấy nhiêu nên có bán phần, mãn phần, đa phần, thiểu phần, nhất phần ưu bà tắc/di khác nhau. Vấn đề hiện tại các vị thọ Bát Trai Giới có phải thọ toàn bộ hay không? Căn cứ theo phẩm Bát Giới của Thành Thật Luận: “Ðiều này cũng không nhất định, tự lượng sức mình thọ được bao nhiêu thì thọ bấy nhiêu, tuyệt đối không nên miễn cưỡng. Nếu cứng ngắc quy định phải thọ hết, giả như không thể nghiêm trì, há chẳng gây thêm tội sao?” Cho nên chúng ta thường nói: Ðức Phật chế giới rất linh động, mục đích để giúp người giải thoát, không phải để làm khó người. Khi thọ Bát Quan Trai Giới phải thọ từ sáng sớm trong ngày là đúng pháp nhất, nếu để sau ngọ mới thọ thì không đắc giới. Nhưng trong Bà Sa Luận lại phương tiện nói: “Người phát tâm thọ giới giả sử nghĩ rằng ngày mai mình phải thọ giới, nhưng đến lúc đó, tự nhiên gặp chuyện phải lo, quên béng mất Bát Quan Trai, cho đến khi xong việc về nhà dùng bữa mới chực nhớ lại, vội đến thọ Bát Quan Trai Giới cũng có thể được. Nhưng điều này không những không thể coi là đương nhiên mà phải sanh tâm tàm quý, cho rằng mình quá lơ là, từ nay về sau không được làm thành lệ”. Nếu một lần như vậy, rồi từ đó trở đi cứ vậy mà làm thì thực trái với pháp. Mong các vị lưu ý điều này cho. Người thọ Bát Giới phải thọ nơi Truyền Giới Sư, dĩ nhiên Giới Sư phải là người xuất gia. Trong ngũ chúng xuất gia, chúng nào cũng làm Bát Giới Sư được, chỉ cần vị này thủ trì giới “không ăn quá ngọ”. Nhưng hiện tại lại phát sanh vấn đề, vạn nhất không có Tăng thì ta phải làm sao để thọ giới? Có phương tiện nào đặc biệt cho chúng ta thọ giới không? Có thể đối trước Phật, tự nguyện thọ hành Bát Giới, vẫn đắc giới như thường. Lỡ tượng Phật không có thì phải làm sao? Vẫn có thể thọ giới, nhất tâm hướng về không trung, trong tâm tưởng và miệng nói như vầy: “Con nay thọ trì Bát Quan Trai Giới”. Như vậy cũng vẫn đắc giới. Bởi vì Pháp Thân chư Phật biến khắp hư không, hành giả cứ dụng tâm chí thành, tâm cung kính, tâm ân trọng, tâm thanh tịnh mà cầu tất sẽ cảm ứng và được đắc giới. Thọ hành Bát Giới là chuyện đại công đức. Nhiều người phát tâm thọ giới này, đó là điềm lành. Vì như thế chẳng những chứng tỏ tâm người hướng nhiều về thiện, còn cho thấy Phật pháp được phổ cập hơn. Nhưng thêm một vấn đề là phát tâm thọ một lúc nhiều người hay chỉ riêng một người thọ thôi? Hành Sự Sao trích dẫn kinh Thiện Sanh: “Thọ Bát Giới không được đông, chỉ riêng mình thọ”. Sở dĩ trong kinh nói “chỉ riêng một người thọ” vì để hành giả chuyên tâm nhất ý đến giới hạnh mình thọ, không để cho tâm niệm thuần khiết này bị các hỗn loạn khác làm động. Hiện tại, các vị thọ Bát Quan Trai Giới, trên tình lý thì không có gì hại, nhưng đối với Giới Luật thì không mỹ mãn, nhưng đó là biện pháp bất đắc dĩ, chỉ mong các vị bảo trì nghiêm túc, không nên gây ồn náo. Thọ hành Bát Giới dĩ nhiên là nhiều công đức, song hiện tại nếu có người trước kia làm việc cho chánh quyền, rồi vì nhiệm vụ mà từng giết hay đánh đập người khác, nay phát tâm học Phật, muốn đến cầu thọ Bát Trai Giới, thì có đắc giới hay không? Ðối với vấn đề này có thể nói: “Bất kể quá khứ họ ác như thế nào, tạo tội đến đâu đi nữa, nay phát tâm cầu thọ Bát Trai Giới, chỉ cần chí thành khẩn thiết sám hối các nghiệp tội quá khứ thì vẫn thành tựu giới pháp. Nếu không chịu sự sám hối thì do các nghiệp tội sâu dày kia cản trở, nên có thọ giới cũng không thành tựu giới pháp”. Ngay bản thân người thọ giới cũng vậy, giả sử xưa nay thọ trì rất thanh tịnh, chưa từng động niệm phạm giới, nhưng gặp phải ác duyên đặc biệt bức phải bỏ giới, thử hỏi nên phương tiện xả như thế nào? Biện pháp lý tưởng và hay nhất đương nhiên là dùng vô số các phương tiện thiện xảo, trang nghiêm hộ trì, thà mất sanh mạng này quyết không bỏ các giới đã thọ. Còn như trong tình cảnh bất đắc dĩ, không xả giới không xong, muốn hy sinh tính mạng cũng không được, lúc đó đành phải phương tiện xả giới pháp. Khi xả giới pháp, chỉ cần một người chứng, nói rõ nhân duyên bất đắc dĩ phải xả giới là xong, không cứ phải xả giới trước chư Tăng, vì đó là bị ác duyên phải xả giới, đâu phải là ý mình muốn. Bị ác duyên bức phải xả hoặc hủy giới tuy vẫn là nghiệp tội, song không nặng vì không phải ý muốn của chính mình, nên khi thoát được ác duyên rồi, chí thành sám hối để trừ diệt tội lỗi, sao cho đến khi sám hối cảm được điềm lành. Lúc đó mới thỉnh cầu thọ lại giới, như vậy vẫn thành tựu giới pháp. Trường hợp có người không do ác duyên mà do tự phiền não nơi mình xung động khiến tâm ô nhiễm, hủy phạm giới pháp của Như Lai, tội người này nặng hơn người trước, khó lòng mà sám hối để được thọ giới lại. Vì vậy, phải trang nghiêm hộ trì các giới đã thọ. Người thọ giới phải thọ thọ trì giới thanh tịnh không được hàm hồ. Nhưng ở thế gian này, chuyện gì nói cũng dễ, làm mới khó, nhất là tịnh giới của Phật pháp lại càng không đơn giản như ta tưởng tượng nên Ấn Thuận Luật Sư nói: “Thọ giới thì dễ, giữ mới khó”. Như thọ Bát Trai Giới, chẳng những không được giết mà ngay đến đánh đập chúng sanh cũng không được. Có nhiều người quen thói đánh mắng người, nghĩ rằng hôm nay thọ giới nên tạm thời không đánh mắng, mai xả giới rồi thì ta tha hồ đánh mắng. Lối suy nghĩ này tuy hôm nay không gây tội, nhưng không thể bảo là trì giới thanh tịnh. Hoặc gặp chuyện gì xúc phạm đến ý mình, liền nổi lôi đình, hoặc có chuyện phiền não gì của mình mà gây thương hại đến tâm ý người khác. Như vậy bề ngoài xem có vẻ không phạm giới, nhưng trì giới kiểu này thật bất tịnh. Do vậy, đủ biết muốn được giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh phải luôn luôn kiểm điểm ba nghiệp, thân khẩu không được làm mất oai nghi, ý không được vọng khởi tham, sân, si. Như vậy mới được gọi là trì giới thanh tịnh, cho nên tôi thiết tha mong các vị hộ trì tịnh giới như giữ tròng con mắt, để tránh được mọi tội ác. Người thọ Bát Trai Giới nếu có điều vi phạm giới pháp, không những không tăng tiến các giới khác, cũng không thể sanh trưởng các thiện pháp. Vì vậy, phải luôn cẩn thận như pháp trì giới. Giảng đến đây, tôi muốn kể một câu chuyện để chứng minh chuyện được mất của trì và không trì giới. Thuở Phật tại thế, một lần Ngài thuyết pháp tại Kỳ Viên tinh xá, có đông đủ chư Bồ Tát và Thanh Văn chúng, xế chiều có hai vị tiên nhân đến trước Phật. Hai vị này do quá khứ từng thọ Bát Quan Trai Giới, nhờ công đức này được sanh cõi trời, thân phóng hào quang, nên khi họ tới, Kỳ Viên được hào quang chiếu sáng như ban ngày, khiến toàn tinh xá chiếu ánh sáng vàng như bảo quang. Ðức Phật biết rõ lai lịch của họ, đợi họ phóng hào quang xong, Ngài tùy theo căn cơ mà thuyết pháp cho họ. Hai người này nghe diệu pháp của chư Phật như uống nước cam lồ, tâm khai ý giải, đốn ngộ được đạo huyền, siêu xuất tam giới, nên đảnh lễ đức Phật, trở về cõi trời. Ngày hôm sau, A Nan bạch Phật: “Hai vị tiên nhân hôm qua đến cầu pháp Thế Tôn, oai tướng kỳ đặc, tịnh quang diệu mục hơn các ánh sáng thường thấy, không biết họ nhờ công đức gì mà được phúc báo thù thắng như vậy? Cúi mong Thế Tôn từ bi khai thị”. Ðức Phật liền kể cho A Nan nghe: “Cách đây không lâu, vào thời kỳ Mạt Pháp của đức Phật Ca Diếp, có hai vị đạo sĩ tu cầu sanh Phạm Thiên, không những sanh cùng ngày, ở cùng nơi, lại là bạn cùng chí hướng. Nghe được sự lợi ích của Phật pháp, nhất là sự dễ tu tập của Bát Quan Trai Giới và công đức thù thắng của pháp tu đó nên hai vị tu sĩ tịnh hạnh này, vốn là dòng Bà La Môn, nhưng vì phát tâm cầu Bát Trai Giới, nên chẳng ngần ngại tìm đến chư Tăng cầu thọ giới pháp. Chư Tăng thấy hai người chí thành cầu giới nên như pháp truyền Bát Quan Trai Giới cho họ. Hai người tuy chí tâm cầu Bát Trai Giới, song tâm niệm mỗi người mỗi khác. Bà La Môn lớn muốn nương nhờ công đức Bát Trai Giới để được sanh thiên hưởng phúc báo. Bà La Môn trẻ lại muốn nhờ công đức Bát Trai Giới để kiếp sau trở lại thân người, làm vua ở thế gian. Sau khi thọ giới, ai trở về nhà nấy, nghiêm túc trì giới, nhất là giới “quá ngọ không ăn”. Nhờ công đức trì giới không phạm, anh Bà La Môn trẻ sau khi mạng chung, được như nguyện thác sanh về nhân gian làm vua một nước. Còn vị Bà La Môn lớn bị người vợ bức bách quấy rầy, nên phải chiều vợ ăn phi thời, phá hỏng giới “không ăn quá ngọ”. Do ác duyên này, không những không thành tựu ý nguyện sanh thiên mà đọa lạc vào đường súc sanh làm rồng. Từ đó, người và thú cách biệt, mỗi người chịu quả sướng khổ của riêng mình, không nhận ra nhau nữa. Một hôm, từ suối trôi vào một quả xoài. Người làm vườn vớt được, đem dâng cho người chủ vườn. Chủ vườn lại dâng cho người khác, rồi đến tay vua. Nhà vua thuở giờ chưa ăn xoài, nay thấy ngon miệng nên muốn ăn mỗi ngày, liền ra lệnh cho chủ vườn phải dâng xoài mỗi ngày. Nếu trái lệnh sẽ bị tội hình. Chủ vườn về nhà sợ hãi ngồi khóc, tiếng khóc vang đến tai rồng ở con suối này. Rồng liền hóa thành một ông lão đến hỏi chủ vườn vì sao lại khóc thảm như vậy? Chủ vườn kể rõ câu chuyện. Ông lão an ủi: “Nhà ngươi đừng buồn, lão sẽ giúp nhà ngươi có xoài mỗi ngày, có điều khi dâng xoài lên vua, bảo nhà vua rằng: Lão với nhà vua vốn xưa là bạn thân đồng tu Bát Quan Trai Giới. Nhà vua nhờ giữ giới thanh tịnh, lại cầu làm vua nên được như nguyện. Còn lão vì giữ giới không trọn, nên phải chịu thân rồng. Nay muốn thoát thân này, chỉ có cách tu trì Bát Trai Giới nên xin nhà vua vì lão mà tìm giúp pháp Bát Trai Giới để lão sớm thoát thân này”. Chủ vườn hôm sau dâng xoài và chuyển lời ông lão đến vua. Nhà vua nghe xong kinh sợ, ngặt nỗi thuở ấy Tam Bảo đã không còn ở thế gian, hà huống Bát Quan Trai Pháp! Nhà vua vấn kế trí thần, trí thần tuy nhiều mưu trí song cũng bó tay. Người cha ông ta thấy con có điều suy nghĩ mới hỏi lý do. Trí thần bày tỏ mọi sự, người cha bèn bảo đổi cột nhà xem có không. Quả nhiên trong cột có kinh Thập Nhị Nhân Duyên và kinh Bát Quan Trai. Trí thần mừng rỡ đem kinh dâng vua. Vua đem kinh đựng trong hộp vàng, đích thân đem giao cho rồng. Từ đó, rồng tại Long cung phụng hành Bát Giới, chuyên tu không nghỉ. Vua tại cung điện cũng nỗ lực tu Bát Giới, đến khi quả trổ, cả đôi bạn này đều sanh thiên hưởng phúc báo. Hai vị này trượng thừa công đức Bát Giới tối qua đến Kỳ Viên tinh xá, thỉnh ta thuyết pháp. Nghe pháp xong, chứng được Thánh Quả, từ nay không còn chịu sanh tử trong tam giới nữa”. Câu chuyện trên đây cho ta thấy công đức của Bát Giới, cũng như quả báo của sự trì giới không hoàn hảo, nhất nhất đều có quả báo. Các vị thọ Bát Giới nay đã hiểu rõ, ắt chuyện sanh thiên hưởng phúc hay giải thoát thoát sanh tử không còn là vấn đề nữa. Nên hãy chuyên tâm phụng hành như pháp, “không một sát na khởi tục niệm hay giải đãi thân tâm, cần tu lục niệm, hộ trì bát chi, nghiệp phiền não tận, tự nhiên thiện nghiệp khai phát. Nhân xuất thế do đây thành tựu”.
|